Đọc cú pháp dòng lệnh trong Windows

Nếu bạn là một người dùng máy tính đã lâu, chắc hẳn bạn đã từng dùng qua các lệnh trên hệ điều hành Windows. Và mỗi khi không biết sử dụng một lệnh nào thì chắc hẳn bạn sẽ lên Google để tìm hiểu lệnh đó. Các lệnh trên Windows thực ra đều có một cú pháp chung cả, nếu nắm rõ cú pháp này sẽ giúp bạn hiểu rõ được các lệnh trên Windows còn không thì bạn sẽ lúng túng hoặc bối rối khi gặp các lệnh này.

Giả sử, bạn truy cập vào website của Microsoft để tìm hiểu về lệnh netstat. Bạn sẽ thấy cú pháp của netstat có định dạng như sau:

netstat [-a] [-e] [-n] [-o] [-p Protocol] [-r] [-s] [Interval]

Bạn sẽ thấy bao quanh các tham số của lệnh netstat đều có dấu ngoặc vuông ( [] ) và bên trong dấu ngoặc vuông thì các tham số được in đậm. Có một số chữ thì được in nghiêng. Đối với những ai không rõ về ý nghĩa của các dấu ngoặc vuông, in đậm và in nghiêng ở trên thì chắc chắn sẽ cảm thấy khó hiểu. Thực ra, chúng đều có ý nghĩa hết đấy. Nếu bạn biết những cú pháp này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về câu lệnh trên.

Giải thích cú pháp

In đậm
Chữ được in đậm thì người dùng bắt buộc phải gõ chính xác như đã được thấy.
In nghiêng
Chữ được in nghiêng thì người dùng bắt buộc phải cung cấp, không được gõ y chang như đã thấy vì đó chỉ là ví dụ thôi.
Giữa dấu ([])
Chữ nằm trong cặp dấu ngoặc tròn hoặc dấu ngoặc vuông là tùy chọn. Bạn có thể gõ hoặc không gõ cũng được. Lúc thực thi một lệnh nào đó bạn không được gõ dấu ngoặc vuông hoặc dấu ngoặc tròn.
Giữa dấu {}
Chữ nằm trong dấu ngoặc nhọn thể hiện một danh sách lựa chọn và bạn phải chọn một trong những chữ nằm trong đó. Những chữ nằm trong dấu ngoặc nhọn được phân chia bởi dấu sổ thẳng ( | ). Khi thực thi một câu lệnh nào đó bạn không nhập dấu ngoặc nhọn hoặc dấu sổ thẳng.
|
Dấu sổ thẳng chỉ được dùng để phân chia các chữ ở giữa dấu ngoặc tròn hoặc dấu ngoặc vuông hoặc dấu ngoặc nhọn. Chỉ được chọn một trong số các chữ được phân chia bởi dấu sổ thẳng khi thực thi một dòng lệnh.
Dấu chấm lửng (…)
Tham số có thể lặp đi lặp lại vài lần trong một câu lệnh. Đừng nhập dấu chấm lửng khi đang chạy một câu lệnh nào đó.

Ví dụ

Dưới đây sẽ áp dụng những cú pháp trên với một vài dòng lệnh trong Command Prompt. Bạn cần phải truy cập vào tài liệu hướng dẫn của Microsoft thì mới thấy được các định dạng về cú pháp của từng câu lệnh. Các ví dụ dưới đây sẽ trình bày cú pháp về các lệnh vol, lệnh pinglệnh tracert theo tài liệu của Microsoft.

Vol

Lệnh vol hiển thị thông tên và số serial của ổ đĩa. Cú pháp của lệnh vol như sau:

vol [Drive:]

Chữ vol được in đậm nghĩa là bạn phải nhập chính xác như trong tài liệu hướng dẫn của Microsoft. Theo sau chữ vol cũng là một khoảng cách, vì thế bạn cũng nên nhập luôn cả khoảng cách bằng phím spacebar trên bàn phím.

Đi theo khoảng cách đó là dấu ngoặc vuông, bất cứ những gì nằm trong dấu ngoặc vuông đều là tùy chọn. Bạn không cần nhập hoặc muốn nhập cũng được không sao cả. Với lệnh vol, nếu bạn cung cấp tên ổ đĩa thì nó sẽ hiển thị tên và số serial của ổ đĩa đó, còn không thì nó sẽ hiển thị tên và số serial của ổ đĩa cài đặt hệ điều hành. Bởi vậy, nó mới nằm trong dấu ngoặc vuông.

Phía trong dấu ngoặc vuông là drive được in nghiêng và đi theo sau có dấu hai chấm ( : ) được in đậm. Chữ in nghiêng là những chữ mà bạn phải cung cấp cho lệnh vol, không được nhập giống như trong tài liệu hướng dẫn.

Trong trường hợp này, drive là ký tự của ổ đĩa, vì thế bạn cần phải cung cấp ký tự của ổ đĩa mà bạn muốn xem. Còn dấu hai chấm thì bắt buộc phải gõ y hệt như trong tài liệu, nghĩa là có sao thì gõ vậy. Ví dụ, bạn muốn biết tên và số serial của ổ đĩa D thì bạn dùng lệnh sau:

[code type="html"]vol d:[/code]
Lệnh vol trong Windows

Tuy ký tự ổ đĩa của lệnh vol là tùy chọn nhưng nếu đã gõ thì phải gõ cho chính xác có như vậy mới thực thi được câu lệnh.

Ping

Nếu bạn chưa biết lệnh ping là gì thì nên đọc bài viết Ping là gì và nó hoạt động như thế nào? để hiểu rõ thêm về lệnh này. Chúng ta sẽ cùng phân tích cú pháp của lệnh này. Lệnh ping thì phức tạp hơn lệnh vol vì nó có nhiều tham số và nhiều tùy chọn. Cú pháp của lệnh ping như sau:

ping [-t] [-a] [-n Count] [-l Size] [-f] [-i TTL] [-v TOS] [-r Count] [-s Count] [{-j HostList | -k HostList}] [-w Timeout] [TargetName]

Nên nhớ những gì nằm trong dấu ngoặc vuông đều là tùy chọn. Với lệnh ping, nếu bạn không nhập tham số mà chỉ gõ lệnh ping thôi thì nó sẽ hiển thị một bảng hướng dẫn về tham số của lệnh ping.

Với các tham số như [-t], [-a], [-f] đều nằm trong dấu ngoặc vuông và được in đậm nghĩa là bạn phải nhập đúng chính xác như trong tài liệu hướng dẫn. Tuy những tham số này là tùy chọn nhưng nếu đã nhập thì phải chính xác.

Còn với tham số [-n Count], mặc định lệnh ping sẽ gửi 4 gói tin. Bạn có thể điều chỉnh bằng tham số [-n Count], chữ Count được in nghiêng điều này nghĩa là bạn cần cung cấp số gói tin sẽ gửi đi. Giả sử bạn muốn gửi 10 gói tin thì gõ lệnh như sau:

[code type="html"]ping –n 10 passionery.blogspot.com[/code]
Lệnh ping trong Windows

Còn hai tham số như [{-j HostList | -k HostList}] được bao bọc với dấu ngoặc vuông là tùy chọn. Tiếp theo, bên trong lại được bao bọc thêm bằng dấu ngoặc nhọn. Ở giữa hai tham số còn được phân cách bởi dấu sổ thẳng ( | ). Bạn chỉ được chọn một trong hai tham số này, chọn tham số -j HostList thì không được chọn tham số -k HostList và ngược lại.

Tracert

Lệnh tracert sẽ một ví dụ cuối cùng trong bài viết này, bạn nên đọc bài viết Traceroute là gì và hoạt động như thế nào? để hiểu rõ thêm về lệnh này. Chúng ta hãy xem sơ qua cú pháp của lệnh tracert.

tracert [-d] [-h MaximumHops] [-j HostList] [-w Timeout] [TargetName]

Căn bản thì lệnh tracert gần giống với lệnh ping. Tuy nhiên, lệnh tracert thì có ít tham số hơn lệnh ping. Những tham số nào nằm trong dấu ngoặc vuông đều là tùy chọn. Chẳng hạn các tham số như [-d], [-h MaximumHops], [-j HostList] và [-w Timeout].

Những ký tự nào được in đậm thì bắt buộc phải nhập chính xác như trong tài liệu hướng dẫn. Những chữ nào được in nghiêng thì bạn cần phải tự nhập vào, không được nhập giống như trong tài liệu hướng dẫn.

Vì những chữ in nghiêng đó chỉ nói lên ý nghĩa của những gì bạn cần phải nhập. [TargetName] cũng là một tùy chọn và được in nghiêng nghĩa là bạn cung cấp tên của mục tiêu nào đó để lệnh tracert hoạt động. Giả sử bạn muốn lệnh tracert gửi gói tin đến passionery.blogspot.com thì bạn đánh lệnh như sau:

[code type="html"]tracert passionery.blogspot.com[/code]
Lệnh tracert trong Windows

TargetName ở ví dụ trên chính là passionery.blogspot.com. Đó là những gì bạn cần phải cung cấp cho lệnh tracert. Chính lệnh ping cũng cần phải có TartgetName thì nó mới hoạt động được. Vì cả hai lệnh ping và lệnh tracert đều là các lệnh về mạng nên bắt buộc phải có TartgetName.

Kết luận

Nếu bạn đã đọc hết bài viết này, bạn sẽ hiểu rõ các cú pháp trên có ý nghĩa như thế nào với các lệnh trên Windows. Cả 3 ví dụ trên chắc hẳn sẽ giúp bạn làm quen với việc đọc cú pháp dòng lệnh trên Windows. Biết rõ và nắm vững các cú pháp trên sẽ giúp bạn vận dụng được các tham số của các lệnh Windows một cách hợp lý.

Vì các tài liệu trên Internet hoặc của Microsoft viết về các lệnh Windows đều áp dụng những cú pháp này. Nếu bạn mới bắt đầu làm quen với những cú pháp này chắc sẽ cảm thấy bối rối. Nhưng rồi sau này bạn sẽ biết nó hữu ích trong việc tìm hiểu các câu lệnh trên Windows.

No comments:

Powered by Blogger.